Hồi giữa năm 2014, các nhà khoa học Mỹ đã dùng kỹ thuật truyền máu của người trẻ vào cơ thể người già mắcbệnh Alzheimer từ nhẹ tới trung bình với hy vọng sẽ cải thiện bệnh tình của họ. Và theo kế hoạch, họ sẽ chính thức công bố kết quả đầu tiên của thử nghiệm mang tính đột phá nói trên vào năm 2016 sắp tới. Phải chăng chúng ta sắp chứng kiến được phương pháp ” cải lão hoàn đồng“? Điều đó liệu có trở thành hiện thực hay vẫn chỉ là khoa học viễn tưởng?
Từ nhiều năm trước đây, người ta đã tiến hành các thử nghiệm trên chuột và cho kết quả hết sức khả quan. Những con chuột già được truyền máu của chuột trẻ có thể giúp chúng chúng tăng cường nhận thức, cải thiện sức bền cơ bắp và sức khỏe của một số nội quan. Và thậm chí là giúp nó trông trẻ hơn.
Và từ năm 2014, một số người đầu tiên đã bắt đầu áp dụng phương pháp trên. Cụ thể, các tình nguyện viên sẽ được truyền máu hiến tặng bởi những người khác với độ tuổi từ 30 trở xuống. Khi đó các nhà khoa học hy vọng rằng các cải thiện về mặt nhận thức của bệnh nhân sẽ được biểu hiện rõ ràng ngay lập tức. Nhưng giáo sư Tony Wyss-Coray tại Đại học Y Standford, người dẫn đầu nhóm cho rằng cần phải tiến hành một cách có trình tự và chờ đợi.
Mặc dù các thử nghiệm đã được bắt đầu từ cách đây gần 2 năm nhưng trên thực tế, các nhà khoa học vẫn chưa hiểu được chính xác điều gì đã tạo nên sự đặc biệt của máu trẻ. Một trong số những giả thuyết được đưa ra là máu trẻ có thể đảo ngược quá trình suy thoái của tim ở chuột già mà bản chất chính là cung cấp thêm GDF11 – một loại yếu tố tăng trưởng trong máu vốn giảm dần theo độ tuổi.
Khi nhóm của Wyss-Coray truyền máu của người trẻ vào cơ thể chuột, ông tuyên bố đã chứng kiến những “hiệu ứng đáng kinh ngạc”. Sau đó là thử nghiệm trên người và theo lộ trình, chúng ta sẽ đợi tới năm sau để xem kết quả của nghiên cứu đột phá này.